Văn hóa xếp hàng của người Việt hiện nay

Văn hóa xếp hàng của người Việt hiện nay3

Năm 2011, khi một trận động đất kinh hoàng xảy ra tại Nhật Bản, cả thế giới hướng về đất nước mặt trời mọc, bàng hoàng trước sức tàn phá khủng khiếp của cơn địa chấn nhưng cũng vô cùng xúc động và cảm phục trước hình ảnh một bé trai 9 tuổi, trên người chỉ độc một chiếc áo thun giữa trời đông rét lạnh lẳng lặng đứng cuối hàng người dài dằng dặc xếp hàng chờ tới lượt được phân phát thực phẩm. Năm 2015, tôi cũng như nhiều người Việt khác cảm thấy “shock” bởi cảnh tượng hàng ngàn người Việt Nam đè đầu cưỡi cổ nhau, bất chấp nguy hiểm mà chèo rào vượt cổng chỉ để được vào công viên nước tắm… miễn phí. Đó không phải là hiện tượng cá biệt trong đời sống của người Việt ta hiện nay. Khi cả thế giới thực hiện “văn hóa xếp hàng” thì chúng ta lại chẳng thể dẹp tan được thứ “văn hóa chen lấn” đã và đang thấm sâu trong bản tính nhiều người.

Không phải đến gần đây, “văn hóa chen lấn” của người Việt mới bị lên án mạnh mẽ. Từ lâu, hiện tượng người Việt Nam, bất kể già trẻ, gái trai, thường xuyên “quên” mất việc xếp hàng ở những địa điểm công cộng đã khá phổ biến. Thậm chí ở nhiều nơi, yêu cầu xếp hàng là bắt buộc mà nhiều người Việt vẫn hành động theo “bản năng”; trước một đám đông, một dãy người xếp hàng, họ tìm mọi cách để chen lên trước, dẫn tới tình trạng chen lấn xô đẩy hỗn loạn.

Hình ảnh chen lấn hỗn loạn tại công viên nước hồ Tây

Năm 2012, dòng người đổ về trung tâm thành phố Đà Nẵng để đổi mũ bảo hiểm đã gây ra một “khung cảnh như thời loạn lạc”. Hàng trăm người chen lấn, xô đẩy, thậm chí xâu xé nhau để đổi lấy một chiếc mũ mới không mất tiền. Nhiều bạn bè quốc tế hoang mang khi chứng kiến dòng người đùn đẩy, giành giật nhau những chiếc áo mưa được phát miễn phí trong chương trình “Đừng để bị ướt mưa” do Đại sứ quán Hà Lan tổ chức năm 2013. Trước đó không lâu, ta cũng đã phải ngán ngẩm khi xem một đoạn clip quay lại cảnh chen lấn giành giật trong một nhà hàng buffet ở thành phố Hồ Chí Minh, khay thức ăn chưa kịp chạm bàn đã hết veo. Và không còn xa lạ gì cái cảnh dòng người xô bồ đông nghịt trước những cửa hàng ăn có phát đồ ăn miễn phí hay những nơi phát động đợt giảm giá, khuyến mại… Thậm chí chỉ vì không “đành lòng” bỏ ra vài phút chờ đợi mà người ta sẵn sàng chen chúc, phá hàng mà lấn lên tại những nơi công cộng như phòng bán vé xe vào dịp lễ, Tết, phòng bán vé xem phim, xem bóng đá; chen lấn khi xếp hàng thực hiện các thủ tục hành chính, khám chữa bệnh ở bệnh viện và nộp hồ sơ vào trường học cho con cái… Ai cũng cố gắng chen lấn, xô đẩy để được lợi nhiều nhất, nhanh nhất. Và những người xếp hàng chờ đợi theo quy định bị nhìn như những kẻ yếu thế, lạc loài. Vậy do đâu mà hiện trạng xấu xí ấy vẫn cứ tiếp diễn không ngừng như một loại virus vô phương ngăn chặn? Liệu nó đơn thuần chỉ là một thói quen hay nó chính là bệnh chứng liên quan đến văn hóa và ý thức của con người?

Xin đừng nghĩ rằng việc chen lấn xô đấy là một thứ “văn hóa lâu đời” của người Việt! Tôi lúc nào cũng nhớ như in những lời mẹ tôi kể về cái thời mà kinh tế còn khó khăn, xã hội chưa phát triển như bây giờ, người người nhà nhà đều đã quen với cảnh xếp hàng để chờ được phân phát theo quy định của nhà nước. Cái thời bao cấp mà từ việc mua lương thực thực phẩm, trở thành biên chế chính thức tại các cơ quan nhà nước, đến việc nhập hộ khẩu vào thành phố đều phải xếp hàng tuần tự và theo tiêu chuẩn đặt ra, việc xếp hàng đã trở thành một thông lệ cũng như một thói quen tự nhiên với mỗi người dân Việt. Vậy tại sao, khi mà kinh tế phát triển, xã hội tốt đẹp lên, con người ta lại quên đi điều đó?

Phải chăng ý thức của con người ta sau bao nhiêu năm đã trở nên méo mó? Không, hoặc chí ít là không phải tất cả. Người Việt Nam khi ra nước ngoài cũng xếp hàng trật tự, văn minh như người dân nước sở tại. Tôi cũng đã không ít lần chứng kiến hàng người ngay ngắn, kiên nhẫn xếp hàng chờ tới lượt tại một số địa điểm công cộng.

Không phải do bản tính, chẳng phải vì văn hóa xếp hàng đã không còn tồn tại, vậy thì do đâu? Có lẽ nguyên nhân một phần xuất phát từ ý thức của một bộ phận dân chúng còn lạc hậu, kém hiểu biết. Bước ra từ hoàn cảnh khó khăn, đói nghèo, ai cũng tranh thủ mọi cơ hội để thu vén cho lợi ích cá nhân. Khi chỉ nhìn vào cái lợi trước mắt, người ta hành động trước khi suy nghĩ, người ta thường để cho dục vọng điều khiển hành vi của mình. Từ đó mới có tình trạng nhiều người đè đầu cưỡi cổ nhau vì miếng ăn, vì chút lợi nhuận. Tôi lại nhớ tới hình ảnh bà lão chết đau đớn vì “một bữa no” trong văn Nam Cao. Bạn có nghĩ văn hóa xếp hàng của nhiều người Việt cũng đang trong tình trạng “chết lâm sàng”?

Bị cái lợi làm mờ mắt là một phần, một phần không nhỏ khác có lẽ là xuất phát từ “hiệu ứng đám đông”. Trong một đoàn người đang ngay ngắn xếp hàng, chỉ cần một người phá hàng lấn lên, sẽ có người thứ hai cảm thấy “kém miếng khó chịu” mà cũng chen lên phía trước, có người thứ hai ắt có kẻ thứ ba, thứ tư… hậu quả là dẫn đến một đám đông hỗn loạn. Con người vốn sẵn bản tính ích kỉ, chỉ cần một mồi lửa châm lên, sự đố kị sẽ xâm chiếm ta, chi phối đến hành động, gây nên hậu quả khôn lường.

Nhưng còn một nguyên nhân sâu xa đó là sự thiếu công bằng, minh bạch trong xã hội ta hiện nay. Chẳng lạ gì những cảnh người bệnh được các bác sĩ dẫn vào thẳng phòng khám bỏ qua một dãy dài xếp hàng nhờ quen biết, hay những người được coi là “con ông cháu cha” được ưu tiên xếp chỗ. Và như một lẽ tất yếu, hình ảnh ấy đã vô tình để lại trong tiềm thức mỗi người về “lợi ích” của sự chen ngang, sự ưu tiên, hình thành nên một lối suy nghĩ sai lệch về  sự “vô ích” của việc xếp hàng…

Thiếu văn hóa xếp hàng không phải “bệnh” của một người, chẳng phải “vấn nạn” xảy ra ở một vài cá nhân mà dễ dàng dập tắt. Nó gắn liền với ý thức, và thật nguy hiểm làm sao, khi nhận thức con người chính là thứ yếu ớt dễ bị điều khiển và làm lệch lạc nhất. Việc thiếu văn hóa xếp hàng lại trở thành một thứ virus nguy hiểm khi nó ngấm ngầm bén rễ phát triển trong tiềm thức con người, thậm chí có khả năng lây lan và “di truyền” từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Văn hóa xếp hàng của người Nhật

Có thể nhiều người sẽ cho rằng chúng ta đang quá nghiêm trọng vấn đề. Đó là do bạn chưa từng chứng kiến, hay ít nhất là chưa từng thử suy ngẫm. Nếu như ở những nước phát triển như Nhật Bản, Singapore,… một trong những bài học đầu tiên người ta dạy cho con trẻ chính là bài học về sự cần thiết của văn hóa xếp hàng. Thế nhưng ở Việt Nam, một số vị phụ huynh khi cùng con nhỏ đi đến những nơi công cộng, không hề nghi ngại mình sẽ làm gương xấu cho con, sẵn sàng chen ngang bất cứ lúc nào. Nhiều người thậm chí còn xúi giục, tỏ ra ủng hộ, khen ngợi hành vi chen lấn của con mình thay vì răn đe ngăn cản khi trẻ tình cờ có hành vi không tốt.

Bởi lẽ đó, để vấn nạn “thiếu văn hóa xếp hàng” của người Việt Nam sớm chấm dứt, việc đầu tiên chúng ta cần làm là chấm dứt sự thiếu minh bạch, công bằng trong việc tổ chức và quản lí xã hội ở nước ta hiện nay. Tuy nhiên, dễ thấy rằng việc nay dường như là bất khả thi, nhưng không có nghĩa là ta không thể giảm thiểu. Một giải pháp quan trọng không kém khác chính là giáo dục và tuyên truyền cho người dân ý thức đúng đắn về văn hóa xếp hàng, phải phổ biến những tri thức ấy cho rộng rãi khắp các tầng lớp, bất kể lứa tuổi, đặc biệt chú trọng tới lứa tuổi nhi đồng và thanh thiếu niên – những thế hệ trẻ đầy hứa hẹn có thể mang đến sự đổi thay tích cực cho xã hội. Và nếu sử dụng biện pháp tinh thần thôi chưa đủ, các cơ quan ban ngành Nhà nước cần phải có những biện pháp thắt chặt kỉ luật ở những điểm công cộng yêu cầu phải xếp hàng, đưa ra những hình phạt nhất định đối với những người phá hàng, chen lấn xô đẩy.

Nhiều người cho rằng, việc hình thành và phổ cập văn hóa xếp hàng tại Việt Nam đã trở nên “vô vọng”. Nếu một đứa trẻ 9 tuổi có thể làm được, cớ sao những người trưởng thành như chúng ta, có đủ kiến thức và học vấn, đủ trí tuệ và khả năng làm chủ bản thân, lại không thể làm được một điều cơ bản như thế? Thay vì ngồi đó mà tỏ ra xấu hổ, chán chường cho ý thức tồi tệ của một số người, tại sao ta không bắt tay vào hành động để làm thay đổi nhận thức của những người đó? Thay vì ngồi nhìn những hình ảnh đáng ao ước của Nhật hay Singapore, sao ta không thử cố gắng tạo ra cảnh tượng ấy tại chính đất nước mình? Nếu mỗi người biết góp sức vào công cuộc đổi thay ấy, tôi tin rằng một ngày không xa một Việt Nam thân thiện nhưng văn minh, lịch sự sẽ trở thành ấn tượng đọng lại trong mắt bạn bè quốc tế.

Xem thêm: Tình trạng doanh nghiệp cắt giảm lao động, cho nghỉ việc luân phiên